fbpx

Cơ hội nào cho kiến trúc xã hội ở Việt Nam.

Kiến trúc xã hội không phải là một khái niệm mới ở Việt Nam, thường chỉ được áp dụng cho lĩnh vực nhà ở đô thị với một chương trình quy mô lớn, dành cho những người có thu nhập thấp và một số nhóm đối tượng xã hội cần sự quan tâm đặc biệt. Có thể thấy sự hiện diện của kiến trúc xã hội qua một số (không phải là tất cả) các công trình công cộng, những công trình này cần có lối tiếp cận, nhà vệ sinh và thang máy được thiết kế riêng cho người khuyết tật. Tuy nhiên, khi xem xét các khía cạnh xã hội của vấn đề, có thể thấy rằng: Vẫn còn một khoảng trống cần được lấp đầy trong thiết kế kiến trúc tại Việt Nam – Các công trình công cộng được thiết kế tốt dành cho các sự kiện thể thao, hoạt động văn hóa và giao lưu của cộng đồng dân cư vẫn còn rất thiếu. Thực trạng này có thể bắt gặp ở nhiều địa phương trong cả nước, không chỉ tại các vùng nông thôn hay miền núi, mà còn ở các đô thị lớn, nơi mà các điều kiện cho sự phát triển tưởng chừng khá thuận lợi. Ngày nay, kiến trúc xã hội trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Tổng quan

Đã có một số định nghĩa về kiến trúc xã hội được đưa ra bởi các kiến trúc sư hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc và xã hội học. Chẳng hạn như Claudia Gatsby cho rằng: “Kiến trúc xã hội là thiết kế có ý thức cho một không gian khuyến khích một loạt các hành vi xã hội được mong đợi đưa đến một mục đích hoặc nhóm mục đích. Các ảnh hưởng của không gian kiến trúc xã hội có thể là các hệ thống xã hội. Trong thiết kế công trình, điều này có liên hệ đến cách tổ chức các không gian mang tính xã hội như các quán bar và nhà hàng” (Gatsby, 2014) – Bởi vì các quán bar và nhà hàng là những địa điểm gặp gỡ và tiếp xúc phổ biến (và được ưa chuộng) trong văn hóa phương Tây. Một học giả khác, James Steven Curl – đã xem xét kiến trúc xã hội là kiến trúc được chủ ý tạo ra cho đông đảo người dân sử dụng như là sự phản ứng lại loại hình kiến trúc được chăm chút bởi hình thức và kiểu cách hướng tới các thành phần có vị thế cao trong xã hội (Curl, 2006). Với khái niệm gần với kiến trúc xã hội, kiến trúc công chúng hoặc kiến trúc cộng đồng (public architecture) cần “đặt các nguồn lực của kiến trúc vào việc phục vụ sự quan tâm của công chúng” (theo Public Architecture – một tổ chức dân sự tại Hoa Kỳ với phương châm: “Con người cần xác định và giải quyết các vấn đề thực tiễn của sự tương tác giữa con người với con người, trong một môi trường nhân tạo và đóng vai trò là chất xúc tác cho sự đàm luận đại chúng thông qua giáo dục, các cuộc vận động xã hội và công tác thiết kế các không gian và tiện ích công cộng”. Hiển nhiên là các định nghĩa và quan điểm có thể khác biệt (giữa các cá nhân và các tổ chức), tuy vậy, mục đích của kiến trúc xã hội là rõ ràng và trùng khớp. Kiến trúc xã hội hướng tới việc phục vụ cộng đồng và thỏa mãn những nhu cầu của người dân tốt nhất có thể. Thực tế là đã có nhiều kiến trúc sư thiết kế các công trình xuất sắc vì mục đích này, chẳng hạn như các nhà văn hóa và công viên vui chơi. Năm 1998, Kiến trúc sư Renzo Piano đã được vinh danh quốc tế khi nỗ lực kết hợp một cách thành công kiến trúc công nghệ cao với nghệ thuật và văn hóa bản địa tại New Caledonia, (một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại Nam Thái Bình Dương) qua bản thiết kế Trung tâm Văn hóa Jean Marie Tjibaou. Đáng ghi nhận hơn nữa là các kiến trúc sư đã dành thời gian, tâm huyết và sự sáng tạo cho việc phục vụ người dân tại một số đất nước kém phát triển nhất trên thế giới. Kiến trúc sư Diébédo Francis Kéré đã cống hiến nhiều năm để xây dựng công trình cho những người nông dân nghèo khó nhất tại Burkina Faso (một quốc gia Tây Phi), trong khi nữ Kiến trúc sư Anna Heringer lựa chọn những làng quê xa xôi hẻo lánh nhất tại Bangladesh (một quốc gia Nam Á) là điểm đến để thiết kế các công trình kiến trúc xã hội. Họ chuyên thiết kế các công trình phúc lợi, như trường học và thư viện, và trực tiếp làm việc trên công trường với người dân địa phương trong suốt quá trình xây dựng. Hai kiến trúc sư vì cộng đồng nói trên đã đem lại niềm vui lớn và lợi ích thiết thực cho những người dân có thu nhập thấp. Họ thực sự rất cần các công trình công cộng trong cuộc sống hàng ngày. Trước đó, chưa hề có bất kỳ cá nhân nào từng đến để giúp họ hiện thực hóa những ước mơ này.

Qua những công trình thành công của hai Kiến trúc sư Diébédo Francis Kéré và Anna Heringer, có thể rút ra những kết luận sau:

  • Trên khắp thế giới, nhu cầu sử dụng công trình công cộng khá lớn, tuy nhiên, có vẻ như các công trình công cộng chưa được quan tâm đúng mức ở các quốc gia đang phát triển. Trong một số trường hợp, chất lượng thiết kế của các công trình này luôn là một vấn đề lớn. Một trong những nguyên nhân lý giải cho sự khó khăn trên, công tác quản lý xã hội yếu kém và nguồn lực tài chính hạn chế là hai điểm nổi bật;
  • Kiến trúc sư là một nghề nghiệp yêu cầu trách nhiệm xã hội rất cao và có ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội. Nếu một kiến trúc sư hành nghề một thời gian đủ dài, người đó có thể dễ dàng thấy được các vấn đề còn tồn tại, hiểu rõ những nguyên nhân. Họ sẽ nhận thức được khoảng trống và biết cách lấp khoảng trống đó. Các kiến trúc sư nên là những người đi tiên phong và đem các thiết kế của mình đến cộng đồng mà không phải chờ đợi bất cứ sự hỗ trợ hoặc động viên nào;
  • Kiến trúc xã hội chủ yếu hướng tới những người yếu thế hoặc dễ bị tổn thương;
  • Thực hành kiến trúc xã hội, về bản chất, là công việc tự nguyện và phi lợi nhuận. Các kiến trúc sư thiết kế công trình xã hội cần tận tụy và kiên trì để đạt được mục đích cuối cùng của mình. Họ không nên từ bỏ mục tiêu của mình, kể cả khi phải đối mặt với những thử thách không dễ vượt qua;
  • Các nguồn lực cần được huy động và/hoặc khai thác tại chỗ. Về mặt tài chính, dự án loại này cần được xã hội hóa cả bề rộng lẫn chiều sâu, trước khi nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài hoặc từ các tổ chức quốc tế;
  • Kiến trúc xã hội sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho các cộng đồng dân cư và đóng góp đáng kể vào việc thiết lập sự bền vững về mặt xã hội.

Thực trạng phát triển

Việc định hướng kiến trúc xã hội có sự khác biệt giữa các quốc gia. Tại các quốc gia công nghiệp như Đức, Hà Lan hoặc Anh, kiến trúc xã hội thường hướng tới những người cao tuổi và đặc biệt là những người nhập cư. Trong khi đó, ở Việt Nam và các nước đang phát triển khác, kiến trúc xã hội phục vụ cho một số lượng lớn hơn các nhóm dân cư: Những người có thu nhập thấp và tất cả những người sống trong cảnh túng thiếu (chẳng hạn như công nhân trong các khu chế xuất, nông dân, trẻ mồ côi, người vô gia cư, người cao tuổi không còn họ hàng thân thích), các nạn nhân của thiên tai hoặc các chính sách xã hội không công bằng. Cuộc sống văn hóa và tinh thần rất quan trọng đối với những nhóm người này và các nhu cầu chính đáng của họ cần được xem xét. Tuy nhiên, trong thực tế những nhu cầu đó thường không được chú ý.

Cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa chính thức nào cho kiến trúc xã hội hoặc kiến trúc vì cộng đồng ở Việt Nam, ngoại trừ “nhà ở xã hội”, khái niệm ít nhiều có liên quan đến vấn đề cần thảo luận. Trong các văn bản pháp luật của chính phủ và một số cơ quan nhà nước, chẳng hạn như Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp, nhà ở xã hội được xem như “loại hình nhà ở được phát triển hoặc bởi nhà nước hoặc bất kỳ một chủ đầu tư nào trong nền kinh tế nhiều thành phần, hướng tới những người yếu thế được xác định bởi luật nhà ở hiện hành, nhất là công nhân và viên chức nhà nước có thu nhập thấp. Những người này có thể thuê nhà hoặc căn hộ với mức giá thấp hơn và sau một vài năm có thể mua những ngôi nhà hoặc căn hộ đó. Quyền sở hữu của họ khi ấy sẽ được công nhận” (Trích Nghị định số 90/NĐ-CP năm 2006). Khởi đầu với định nghĩa về “nhà ở xã hội” đã được nhắc tới ở trên và với góc nhìn cận cảnh sự phát triển đô thị tại Việt Nam ngày nay, có thể hiểu rằng: Kiến trúc xã hội là quá trình thiết kế và cung cấp các công trình kiến trúc công cộng có chất lượng tốt nhưng với giá thành thấp, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của cộng đồng dân cư địa phương, nhằm nâng cao cuộc sống văn hóa tinh thần của họ. Kiến trúc xã hội đa dạng về hình thức và chức năng, bao gồm nhà ở xã hội, trung tâm văn hóa, trạm y tế, thư viện cộng đồng, trường tiểu học, trung tâm bảo trợ người vô gia cư và trẻ em mồ côi, nhà dưỡng lão, … Về nhà ở xã hội, chính phủ Việt Nam đã đầu tư mạnh vào các dự án nhà ở quy mô lớn cho công nhân tại các khu công nghiệp và cho người dân sống tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ.
Trong thực tế, nhiều công trình kiến trúc xã hội đã được xây dựng khắp cả nước như là một hợp phần của chương trình phát triển đô thị và nông thôn của chính phủ. Các công trình này thường được thiết kế theo đơn đặt hàng của nhà nước, được tiêu chuẩn hóa thành một số lượng mẫu thiết kế nhất định và được xây dựng hàng loạt. Chính phủ mới chỉ quan tâm đến số lượng, trong khi đó chất lượng công trình chưa đáp ứng được nguyện vọng của người sử dụng. Các yếu tố quan trọng như địa điểm, địa hình, khí hậu, kiến trúc và văn hóa bản địa, … chưa được nghiên cứu kỹ khi quy hoạch và xây dựng. Các kiến trúc sư chưa có nhiều cơ hội để chứng tỏ tính sáng tạo trong thiết kế. Vì thế, kiến trúc xã hội đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Bốn vấn đề nổi cộm nhất được tóm tắt và làm rõ như sau:

  • Vấn đề số 1: Thiếu hụt nghiêm trọng về số lượng. Các công trình công cộng hiện có trong khuôn khổ chương trình kiến trúc xã hội không đủ để đáp ứng nhu cầu khá lớn của cộng đồng. Ở nhiều nơi, thậm chí trong các đô thị lớn, hoàn toàn vắng bóng kiến trúc xã hội;
  • Vấn đề số 2: Chất lượng không đảm bảo. Chất lượng thiết kế của hầu hết các công trình công cộng trong khuôn khổ chương trình kiến trúc xã hội thấp đến mức đáng thất vọng với công năng hết sức hạn chế, không gian buồn tẻ, trang thiết bị nghèo nàn do vốn đầu tư hạn hẹp và quy trình thiết kế thiếu chuẩn mực. Vì thế, các công trình cộng cộng chưa làm người sử dụng hài lòng. Đương nhiên, những yêu cầu cao hơn, chẳng hạn như bản sắc kiến trúc và tính sinh thái, lại càng không đạt được;
  • Vấn đề số 3: Hình khối công trình kém hấp dẫn. Công trình khá đơn điệu và trông gần giống nhau ở tất cả mọi nơi: Ở miền núi, vùng trung du và đồng bằng, thậm chí cả ở hải đảo;
  • Vấn đề số 4: Vận hành và quản lý không hiệu quả. Các hoạt động không thu hút được đông đảo người dân. Vì thế, các công trình này ít khi mở cửa phục vụ. Một số công trình đã phải đóng cửa sau vài tuần hoặc được sử dụng vào mục đích khác. Đó là sự lãng phí vốn đầu tư xây dựng, điều khó có thể được chấp nhận trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Những vấn đề sau có thể được đưa ra nhằm lý giải cho sự phát triển chưa lành mạnh của kiến trúc xã hội tại Việt Nam: Chính quyền địa phương chưa quan tâm đến các vấn đề xã hội trong kiến trúc; các văn bản hướng dẫn chưa bắt kịp với thực tiễn luôn biến đổi nhanh chóng và chính sách ban hành cũng chưa tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển; người dân địa phương chưa ý thức được đầy đủ quyền lợi của mình và còn ngần ngại bày tỏ nguyện vọng cũng như ý kiến, các cơ quan chuyên môn chưa vào cuộc; kiến trúc sư tâm huyết song còn phải làm việc đơn độc. Thiếu sự hỗ trợ từ cả chính quyền lẫn cộng đồng, họ cảm thấy khó khăn để có thể tạo ra sự chuyển biến mang tính bước ngoặt cho kiến trúc xã hội. Vì thế, đã đến lúc cần tạo ra sự đột phá cả trong tư duy lẫn trong hành động để hướng tới xây dựng một nền kiến trúc xã hội mới ở Việt Nam dựa trên việc khôi phục các giá trị truyền thống trong văn hóa và nhấn mạnh triết lý thiết kế của dân tộc.

Những tín hiệu tích cực đầu tiên của kiến trúc xã hội tại Việt Nam ngày nay

Khi đã tiếp thu những tư duy mới trong thiết kế, một số kiến trúc sư tại Việt Nam đã ý thức được điều được gọi là “khoảng trống cần lấp đầy” trong kiến trúc đương đại. Trong mười năm qua, họ đã kiên trì tìm tòi và mạnh dạn thử nghiệm các mô hình mới về kiến trúc xã hội, hướng tới tính cộng đồng và tính nhân văn. Kết quả của sự làm việc cần mẫn này là một số công trình kiến trúc công cộng tốt đã được thiết kế và đưa vào sử dụng. Đó có thể coi là những tín hiệu tích cực đầu tiên cho kiến trúc nói chung và kiến trúc xã hội nói riêng. Các kiến trúc sư này thường trong khoảng 30 đến 40 tuổi đời và có từ 10 đến 20 năm tuổi nghề. Họ đã được chuẩn bị tốt về tâm thế để đón nhận các thử thách của việc thiết kế kiến trúc xã hội và coi đó là một nhiệm vụ khó khăn nhưng vẻ vang. Điều mà họ mong muốn thực hiện và nỗ lực hết mình là phục vụ cộng đồng. Các dự án thành công mà họ đã đạt được cho đến nay đã chứng tỏ rằng họ đang đi đúng hướng khi kết hợp các khía cạnh xã hội của kiến trúc và các yêu cầu thiết kế khác trong thế kỷ 21, chẳng hạn như tính bền vững, tính địa phương và tính biểu tượng.

1 + 1 > 2 – Một văn phòng kiến trúc có trụ sở ở Hà Nội được sáng lập và điều hành bởi Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đã gắn bó với nhiều dự án kiến trúc xã hội và trở thành một nhóm thiết kế hàng đầu về lĩnh vực này tại Việt Nam. Các dự án tiêu biểu nhất gồm: Nhà cộng đồng thôn Suối Rè; Trường học cho trẻ em vùng cao có tên gọi Hoa Rừng; Nhà cộng đồng Tả Phìn; Nhà cộng đồng Cẩm Thanh; và Nhà cánh buồm bằng vỏ chai. Những công trình kể trên phục vụ nhu cầu giáo dục, văn hóa và giao lưu cộng đồng, đã được trao nhiều giải thưởng kiến trúc quốc gia và quốc tế. Bên cạnh ý nghĩa về mặt xã hội, các đặc điểm và yếu tố sau đã góp phần đáng kể vào sự thành công của các dự án này:

  • Khai thác một cách tối ưu các điều kiện văn hóa, khí hậu và địa hình của khu vực;
  • Tìm kiếm một cách thận trọng những hình khối đơn giản nhưng ấn tượng đặt trong bối cảnh cảnh quan của khu vực xung quanh;
  • Đạt tới tính đa dạng và linh hoạt trong thiết kế kiến trúc về công năng và hình thức;
  • Sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và có sẵn tại chỗ như đất, đá, tre, gỗ, hoặc rơm rạ…;
  • Huy động nguồn lao động tại chỗ của người dân địa phương để tận dụng nguồn tri thức và phát huy kinh nghiệm, đồng thời để giảm chi phí xây dựng;
  • Áp dụng một số giải pháp sinh thái, ví dụ như các tấm pin năng lượng mặt trời, sử dụng nước mưa và nước xám, cũng như tái sử dụng và tái chế vật liệu…

Theo kinh nghiệm từ quá trình thiết kế và thi công các dự án nói trên, có thể rút ra một số bí quyết để thực hiện các công trình kiến trúc xã hội và được làm rõ qua các ví dụ cụ thể:

  • Thứ nhất, cần tôn trọng và đề cao văn hóa bản địa, để đảm bảo tính đa dạng và yếu tố bản sắc trong kiến trúc. Chẳng hạn như Nhà cộng đồng thôn Cẩm Thanh đã được thiết kế dựa trên sự phân tích không gian của một ngôi nhà truyền thống có sân trong. Sự ảnh hưởng của ngôi nhà truyền thống có thể được chứng minh qua việc tổ chức ngôi nhà cộng đồng mới, với nhiều không gian tập trung đông người được phân nhóm xung quanh sân trong. Không gian bên trong và không gian bên ngoài tương đương nhau. Các chi tiết và yếu tố kiến trúc của công trình, chẳng hạn như mái hiên và hệ cột chống mái hiên, hệ khung tre hoặc các loài cây bản địa được trồng trong sân cũng như quanh nhà, … tất cả đều được chọn lọc kỹ lưỡng và có chủ định, nhằm làm hồi sinh kiến trúc truyền thống. Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh được đón nhận tích cực, trở thành một điểm dừng trong các tuyến thăm quan cho khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Nhà cộng đồng Tả Phìn cũng cho thấy sự thành công trong việc sử dụng phép ẩn dụ kiến trúc và đưa văn hóa bản địa vào trong kiến trúc Việt Nam đương đại. Mặt tiền của công trình gợi nhớ đến chiếc khăn trùm đầu màu đỏ truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao. Màu đỏ và hình dạng đặc biệt của mặt đứng có thể được nhìn thấy từ xa, dù công trình trông có vẻ rất khiêm tốn trong khung cảnh hùng vĩ của vùng núi cao.
  • Thứ hai, công tác xã hội hóa các giải pháp xây dựng công trình kiến trúc xã hội thực sự có ý nghĩa và cần thiết cho việc thực hiện dự án. Thực tế có nhiều tổ chức và cá nhân có khả năng tham gia vào quá trình xây dựng. Họ có nhiều cách để đóng góp cho các dự án kiến trúc xã hội. Vì thế, các kiến trúc sư qua các dự án Nhà cộng đồng thôn Suối Rè và Nhà cánh buồm bằng vỏ chai đã kêu gọi nhiều thành phần tham gia, nhóm thiết kế đã tập huấn cho người dân địa phương các kỹ thuật xây dựng khác nhau. Phản hồi từ các bên tham gia dự án rất tích cực.
  • Thứ ba, các kiến trúc sư cần thực hành “kiến trúc bền vững” bằng các giải pháp kỹ thuật đơn giản song lại hiệu quả. Ví dụ như việc thu và sử dụng nước mưa cho nhiều mục đích khác nhau đặc biệt có ý nghĩa, bởi vì tại nhiều điểm dân cư nông thôn vùng sâu, vùng xa không có hệ thống cấp nước sạch và các nguồn nước ngầm tại đó cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu. Tương tự như vậy, sử dụng các vật liệu xây dựng tự nhiên và có sẵn tại chỗ là một sự lựa chọn đúng đắn. Tại làng Nậm Đăm, các ngôi nhà được xây dựng theo cách thức quen thuộc là dùng tường trình đất có cốt tre, trong khi trường tiểu học có tên gọi Hoa Rừng tại Thái Nguyên xây dựng bằng gạch được chế tạo và ứng dụng tại chỗ với máy ép gạch đơn giản.
  • Thứ tư, các kiến trúc sư cần phải học hỏi, để bản thân mình được nhìn nhận là những cá nhân khởi xướng của quá trình mang tính xã hội này. Chỉ trong những trường hợp hết sức hãn hữu mới có đơn đặt hàng, còn đa số đó là những dự án tự khởi xướng. Những tấm gương được dẫn chứng ở đây lại là Anna Heringer và Diébédo Francis Kéré.

Viễn cảnh đối với kiến trúc xã hội Việt Nam

Kiến trúc sư có liên quan đến kiến trúc xã hội cần lãnh trách nhiệm đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội mà không phụ thuộc vào chi phí thiết kế hoặc quy mô của một dự án công trình xã hội. Do vậy, thực tiễn của kiến trúc tại Việt Nam đã chỉ rõ rằng những kiến trúc sư đón nhận trách nhiệm đã đề cập đến ở trên phải được trao những công cụ hữu hiệu – Nếu căn cứ trên sự giao tiếp với cộng đồng dân cư cùng chính quyền thì nhu cầu cải thiện tình hình còn lớn hơn nhiều. Ngoài ra, điều cần thiết nữa là một bộ luật hành nghề đặc biệt dành cho kiến trúc xã hội bên cạnh các quy định chung dành cho kiến trúc sư, nhờ đó các dự án sẽ thực sự có hiệu quả lâu dài và bền vững.

Rõ ràng, kiến trúc sư không chỉ tham gia vào quá trình này một cách đơn độc mà còn phải có các đối tác khác và mức độ tham gia cũng rất khác nhau: Chính quyền và cộng đồng địa phương, hội kiến trúc sư và các cơ quan chuyên môn khác, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cùng các nhà tài trợ… Những đơn vị này nên hợp tác chặt chẽ với cộng đồng dân cư địa phương, bởi vì cộng đồng dân cư sẽ còn tiếp tục giám sát sau khi dự án được triển khai. Cộng đồng có thêm nhiệm vụ, trước khi dự án bắt đầu cần họp nhau lại để được tư vấn và trao đổi tất cả những nhu cầu, mối bận tâm, băn khoăn và đề xuất với những người làm công tác quy hoạch cũng như thiết kế kiến trúc. Chỉ có như vậy thì những nguyện vọng của cộng đồng địa phương mới được ghi nhận và đưa vào trong bản thiết kế. Ngoài ra, các thành viên của cộng đồng còn có thể hợp tác trong quá trình xây dựng và đóng vai trò chủ động tích cực, biến dự án ban đầu trở thành dự án của chính họ.

Tuy nhiên, điều cần ưu tiên trước hết để nghiên cứu và xem xét là: Cách thức mà chính quyền, các cơ quan hành chính sở tại và các hiệp hội chuyên môn làm việc cùng nhau để tạo ra một khung pháp lý liên kết tất cả các bên có liên quan, huy động toàn bộ những nguồn lực của xã hội cho sự phát triển mạnh mẽ của kiến trúc xã hội. Ở đây, điều cần có là một xung lực thúc đẩy từ bên ngoài, trong khi đó những trở lực nội tại cũng cần phải được gỡ bỏ.

Nhu cầu đối với kiến trúc xã hội ngày nay vốn dĩ đã ở mức cao. Có thể thấy rằng ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của loại hình này trong tương lai sẽ còn lớn hơn nữa. Tương tự như vậy, căn cứ trên phạm vi, các dự án kiến trúc xã hội có thể nhỏ về quy mô song lại có tầm quan trọng lớn, bởi vì kiến trúc xã hội khiến con người xích lại gần nhau hơn, cả trực tiếp (trong quá trình quy hoạch và xây dựng) lẫn gián tiếp (dưới hình thức dự án được thực hiện). Bên cạnh cộng đồng, chính các kiến trúc sư cũng được hưởng lợi ích từ kiến trúc xã hội mà họ thiết kế và tạo dựng, loại hình kiến trúc có tác động tổng thể tích cực đến sự phát triển của bản thân họ với tư cách là những người thiết kế. Điều không kém phần thú vị đối với nền kiến trúc Việt Nam là ở chỗ thông qua kiến trúc xã hội, ý nghĩa của việc thiết kế và của quá trình thực hiện sẽ gia tăng. Bên cạnh yếu tố xã hội, kiến trúc xét cho cùng với vai trò là một ngành nghề cũng sẽ thu được những lợi ích.

Hoàng Thúc Hào và Nguyễn Quang Minh

Bài viết được trích từ cuốn sách “Arch+: Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng” do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội và Tạp chí Arch+ thực hiện và phát hành nhân kỷ niệm 70 năm Hội KTS Việt Nam.
Xem thêm bài viết giới thiệu về cuốn sách: Giới thiệu sách ARCH +: “Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng”
Categories: Kiến trúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *