fbpx

Không gian công cộng (KGCC) là không gian chung của mọi người. Đó là một khái niệm được nhắc tới nhiều trong những năm gần đây ở Việt Nam. Trên thực tế, nó đã được đề cập trong các phân tích về chính sách của các nước Châu Âu từ những năm 70, mà theo Hebermas, Kant chính là tác giả của những định nghĩa này. Theo Kant, KGCC được thiết lập từ thời đại Ánh sáng, là yếu tố trung gian giữa xã hội dân sự và chính quyền đô thị. Nó là nơi mà các công dân có thể đến để bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình, những gì mà mọi người đều quan tâm đối với chính quyền đô thị. Tính xã hội dân sự của KGCC nằm ở chỗ: Nó trở thành nơi thu hút cộng đồng với nhiều hoạt động giao lưu, đa dạng và phong phú.

Bích họa phố – Phùng Hưng/ Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức

Theo Marcus (Lyon), có thể chia hoạt động chức năng của KGCC ra thành 3 loại cơ bản: Một là, các hoạt động thương mại hóa (commercialisation), như hội chợ trưng bày sản phẩm địa phương, các quầy hàng ẩm thực truyền thống; hai là, các hoạt động sân khấu hóa (theatralisation), đó là các không gian biểu diễn ca hát, xiếc ngoài trời; ba là lễ hội hóa (Festivalisation), là các hoạt động liên hoan chào mừng sự kiện hoặc hoạt náo cộng đồng như lễ hội hóa trang của châu Âu. Cả 3 hoạt động này có thể được tiến hành riêng rẽ hoặc tích hợp trong khuôn khổ, kế hoạch của chính quyền. Nó cũng có thể được diễn ra tự do theo cảm xúc bất định của người dân. Vì vậy, chất lượng sử dụng KGCC (cả quy mô và tính chất) chính là thước đo lòng tin, sự hứng khởi của người dân đối với chính quyền đô thị. Giữa KGCC với cộng đồng và chính quyền đô thị có mối quan hệ ràng buộc hữu cơ khá phức tạp. Nhưng vì KGCC đóng vai trò vừa phục vụ chính quyền đô thị, lại vừa phục vụ người dân, nên bản chất của tổ chức KGCC nằm ở chỗ, nó phải vừa thể hiện được tính chính thống (official) lại vừa phải thỏa mãn nhu cầu dân sự (civic).

Tính hấp dẫn của KGCC và nghệ thuật công cộng

Tính hấp dẫn của KGCC đối với cộng đồng được đánh giá bằng chỉ số tham gia của cộng đồng, sự thờ ơ hay hội chứng đám đông. Nó tác động tích cực tới hoạt động giao lưu, giải trí ngoài trời của cộng đồng. Sự hấp dẫn của KGCC bao gồm cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Yếu tố vật thể có thể nhìn thấy, yếu tố phi vật thể thì không nhìn thấy, nhưng lại có thể cảm thấy. Sự hài hòa, tương tác và sáng tạo của hai yếu tố này chính là Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng, hay còn gọi là Nghệ thuật công cộng (NTCC).

Sự hấp dẫn của NTCC nằm ở chỗ: Nó tác động tới các giác quan của con người để đem lại cho người ta những cảm nhận (xúc cảm thẩm mỹ) tuyệt vời. Người KTS giỏi có thể tạo nên sự tiện nghi vật chất, nhưng chỉ có KTS tài năng mới có thể tạo nên sự tiện nghi tinh thần. Nếu sự tiện nghi vật chất liên quan tới tổ chức công năng hợp lý an toàn, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, trang thiết bị… thì sự tiện nghi tinh thần lại liên quan tới yếu tố thẩm mỹ. Vì vậy, trong NTCC, thẩm mỹ đóng vai trò như một yếu tố công năng bổ sung quan trọng. NTCC có thể truyền tải một câu chuyện, một huyền thoại trong quá khứ, cường điệu và hư cấu nó lên trong không gian vật thể của KGCC bằng các ngôn ngữ của nghệ thuật thị giác. Sự tái hiện các không gian văn hóa lịch sử trong KGCC là một định hướng quan trọng đối với các khu vực có giá trị lịch sử. Bảo tồn các di sản văn hóa là việc làm không đơn giản nhưng bảo tồn và khai thác các di sản ký ức còn khó hơn nhiều.

Xúc cảm thẩm mỹ đến với con người, trước hết từ nghệ thuật tổ hợp không gian kiến trúc mà ta có thể hiểu nó như một phần của thiết kế đô thị. Điều này liên quan tới chất lượng tổ chức không gian ngoài trời, tính dẫn dắt, tính dàn trải, tính nhịp điệu, sự trình diễn và đột biến trong KGCC. Ở một khía cạnh khác, nó được bổ sung bằng nghệ thuật trang trí công cộng với các tác phẩm điêu khắc, phù điêu, tranh tường..

Nguyên tắc tạo hình cổ điển có thể tạo cho người ta những xúc cảm thẩm mỹ cân bằng và chủ động, với các thủ pháp đăng đối, vần luật, vi biến, tỷ lệ, tỷ xích. Ngược lại, tạo hình hiện đại có thể tạo nên những ấn tượng bất ngờ. Ở cấp độ cao hơn, nó có thể tạo nên những cảm xúc rất đặc biệt: Sự dang dở, hoài nghi, mâu thuẫn, lẫn lộn…
Nghệ thuật Pop – Art đã thịnh hành trong tổ chức không gian công cộng của Châu Âu từ những năm 80 của thế kỷ 20, nhưng với chúng ta nó vẫn còn mới mẻ. Trong nghệ thuật này, sự tham gia của cộng đồng, sự tưởng tượng và những lý giải cá nhân chính là mảnh ghép cuối cùng của những bức tranh dang dở. Nó càng làm tăng thêm tính hấp dẫn của KGCC.

Những vật liệu được sử dụng trong tổ chức KGCC hết sức đa dạng. Nếu như ở công trình xây dựng, vật liệu chủ yếu là gạch đá, sắt thép, bê tông… thì trong KGCC đó còn là các vật liệu thiên nhiên bao gồm mặt nước, bầu trời, mặt đất, ánh sáng, cây xanh… Những vật liệu thiên nhiên này sử dụng khó gấp nghìn lần vật liệu xây dựng. Bởi thiên nhiên luôn biến đổi trong không gian và thời gian.

KTS Tadao Ando đã từng nói: “Những KTS nào biết sử dụng tốt vật liệu xây dựng là KTS giỏi, nhưng chỉ những KTS biết sử dụng tốt vật liệu thiên nhiên mới là KTS tài năng”.
Chính vì vậy, NTCC không đơn thuần chỉ là tạo nên một kiến trúc đẹp, một điêu khắc đẹp đặt vào trong thiên nhiên, mà là cách thức ứng xử và cấu trúc thiên nhiên theo một ý đồ nghệ thuật. Đôi khi, sự can thiệp thô bạo có thể phá hỏng một cấu trúc thiên nhiên hoang dã, mộc mạc mà thực tế chỉ cần một sắp đặt nhỏ bổ sung và một can thiệp tinh tế là có thể thành công.

Quảng trường và Không gian đường phố

Tượng Lý Thái Tổ – Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội)

Trong khung cảnh của thời đại công nghệ và cuộc Cách mạng 4.0, con người cần phải sử dụng thời gian rảnh của mình bằng cách tham gia hoạt động ngoài trời. Sự giao lưu văn hóa xã hội chống lại giao lưu ảo, cũng như sự tiếp xúc với thiên nhiên sẽ chống lại sự giam cầm cảm xúc trong không gian của bốn bức tường.

Quảng trường và không gian đường phố là bộ phận quan trọng của KGCC. Đó là không gian ngoài trời dạng mở hoặc được bao quanh bởi các tòa nhà. Khác với không gian đường phố với chức năng giao thông đã hiển thị, chức năng của quảng trường khó có thể nhận diện khi nó chỉ là không gian trống.

Quảng trường được sinh ra từ Châu Âu, bắt đầu từ Agora của Hi Lạp và Forum của La Mã, tới các quảng trường hiện đại ngày nay. Quảng trường là một không gian rộng lớn gắn liền với khán đài và một công trình kiến trúc chủ đạo – Đó gần như là một công thức xác định trong việc tạo một không gian hoành tránh trong các sự kiện chính trị của thành phố. Nó trở thành bộ mặt tự hào của chính quyền đô thị. Tuy nhiên, ở góc độ cộng đồng, nó có thể tạo nên sự lạnh lẽo, xa lạ, thiếu hấp dẫn. Tính hoành tráng và sự thân mật là hai mặt đối lập của quảng trường. Có thể quảng trường hoành tráng có tính tiện nghi rất cao trong khi tính hấp dẫn của nó với cộng đồng lại rất thấp.

Liệu không gian hành chính của quảng trường có thể chuyển hóa thành không gian dân sự trong phần lớn thời gian không diễn ra các sự kiện chính trị. Liệu người dân có thể sử dụng nó như một không gian cho hoạt động mit-tinh diễu hành trong ngày lễ, đồng thời cũng là không gian vui chơi, giao lưu, thương mại trong ngày thường? Sự hoành tráng ban ngày liệu có thể chuyển hóa thành sự thân thiện ban đêm? Đó là cái khó của người tổ chức KGCC quảng trường. Ở tòa thị chính thành phố Lyon, ban ngày vắng lặng người qua lại trên quảng trường, vì đó là không gian làm việc với những tòa nhà uy nghi trắng muốt. Ban đêm nó bỗng trở nên nhộn nhịp như một không gian vui chơi của người dân. Ánh sáng và màu sắc đã làm thay đổi vẻ lạnh lẽo của các tòa nhà. Nó được khoác một chiếc áo khác, màu sắc sặc sỡ, bỗng trở nên bớt uy nghi hơn, và thay vào đó là sự gần gũi, thân thiện.

Tại một số đô thị ở Việt Nam, quảng trường được xây dựng, quá đề cao tính chính thống, biểu hiện của nó là sự hoành tráng, đồ sộ, quy mô (như quảng trường TP Vinh, TP Yên Bái…). Nhưng cũng có không ít quảng trường thể hiện được cả hai chức năng phục vụ chính quyền và người dân, đó là quảng trường – vườn hoa Lý Thái Tổ ở khu vực trung tâm Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một thí dụ điển hình, trong đó tổ chức KGCC đã đạt cả 2 chức năng: Mặc dù không gian chật hẹp, nhưng vào ngày lễ, tuyến đường giao thông ven hồ trở thành quảng trường bổ sung. Nó tiếp giáp với không gian mở phía trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ nhìn ra Hồ Gươm, với thềm bậc lát đá. Vào ngày thường và buổi tối, nơi đây trở thành không gian ưa thích của người dân. Trước hết, nó an toàn, sau đó là tiện nghi với khoảng sân rộng và ánh sáng rực rỡ, phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí của cộng đồng. Quảng trường thành phố Đà Lạt cũng là một thí dụ tốt khi quảng trường được kết nối với trung tâm thương mại nằm bên dưới khán đài, và nhìn ra hồ Xuân Hương.

Nếu Quảng trường là KGCC đặc trưng của Châu Âu thì không gian đường phố lại là KGCC ưa thích của người Châu Á. Sự dịch chuyển và thay đổi cảnh quan là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của KGCC dạng đường phố. Mọi người đi dạo trên các tuyến phố đi bộ để ngắm nhìn, trải nghiệm và mua sắm. Ở Hà Nội có 2 sắc thái khác nhau hình thành trên các tuyến phố đi dạo, Một là sự nhộn nhịp trên các tuyến phố thương mại trong khu phố cổ, và hai là sự thong thả trên các tuyến phố đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm. Nó cũng giống như Quảng trường và Công viên là 2 KGCC ưa thích của mọi người, hoặc thích tập trung trong không gian đô thị, hoặc thích lan tỏa trong vòng tay thiên nhiên…

Thay lời kết

Đài phun nước Vườn hoa con Cóc (Hà Nội)

Thực chất của tổ chức KGCC là tổ chức các hoạt động ngoài nhà theo hướng đa dạng, linh hoạt, phục vụ cộng đồng và chính quyền đô thị. Tổ chức KGCC là sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố tưởng như hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Đó là thiên nhiên – nhân tạo, đóng – mở, hành chính, chính trị – văn hóa, xã hội… Trong mọi trường hợp, sự thích ứng là một yêu cầu quan trọng mà KTS có thể tạo nên nhờ sử dụng tinh tế NTCC.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018)

Categories: Sự Kiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *